3 Bước Làm Bạn Với Cảm Xúc: HÓA GIẢI MỌI ƯU PHIỀN…
Bạn đang khó chịu vì một cảm xúc nào đó? Nó khiến bạn làm những việc không muốn làm, hoặc cản trở bạn đến với mục tiêu? Bạn không hề đơn độc đâu. Vì hầu hết mọi người vẫn đang tìm cách làm chủ cảm xúc, và cuối cùng vẫn bị cảm xúc làm chủ. Có lẽ đã đến lúc phải… làm bạn cảm xúc!
Bạn có thích bị ai đó sai khiến hay làm chủ không? Sự thật là đâu có ai thích bị làm chủ? Nếu cảm xúc cũng là một con người, bạn muốn làm chủ cảm xúc, thì người bạn Cảm Văn Xúc này cũng muốn làm chủ bạn, và cuộc chiến tranh nhân danh hạnh phúc này sẽ chẳng bao giờ có hồi kết.
Bước #1: Định Tâm
Định tâm là gì? Bạn có thể hiểu đơn giản đó là khả năng giữ tâm trí của bạn cố định vào một đối tượng nào đó. Tại sao kỹ năng định tâm này lại quan trọng đối với việc làm bạn cảm xúc?
- Khi bạn nghĩ đén một ký ức không vui nào đó “có thể nói là ký ức đau đớn” bạn sẽ bắt gặp một cảm giác khó chịu phải không?
- Bây giờ bạn hãy nghĩ đến một Kỷ niệm đẹp. Có phải bạn cảm thấy rất vui không? Càng nghĩ về nó, bạn càng cảm thấy hạnh phúc và muốn quay ngược thơi gian? .
Bạn có nhận ra điều gì không?
Tâm trí bạn càng hướng về điều gì, các ký ức liên quan sẽ ngày càng rõ nét, cảm xúc tương ứng càng nảy nở. Cứ mỗi lần làm vậy, liên kết trong bộ não càng bền chặt, càng khiến cảm xúc xuất hiện nhanh hơn, mạnh hơn, tới mức chi phối mọi quyết định của bạn trong hiện tại.
Do vậy, thật ra thứ bạn cần làm chủ không phải là cảm xúc, mà chính là tâm trí. Chính cái tâm trí hay đi lang thang, nghĩ hết chuyện này tới chuyện kia, từ những ký ức trong quá khứ, cho tới những thứ chưa xảy ra trong tương lai, mới mang lại ưu phiền cho bạn. Còn cảm xúc chỉ là cảm xúc, chúng hoàn toàn vô tội!
Và Bây giờ tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách Định tâm bằng bài tập thở 5 ngón tay.
- B1: Xòe bàn tay trái ra
- B2: dùng ngón trỏ bàn tay phải di chuyển bắt đầu từ cổ tay dưới ngón cái của bàn tay trái
- B3 di chuyển ngón trỏ và tập: khi di lên ngón trỏ –Hít vào. Khi đi xuống ngón trỏ thì thở ra. Liên tục đếm như vậy đến hết các ngón trên bàn tay trái.
Bước #2: Bình Tâm
Ngay bây giờ, hãy để ý trên cơ thể của bạn, có chỗ nào đang ngứa ngày không? Hãy thử xem bạn có thể giữ được sự bình tâm trước cơn ngứa đó được bao lâu.
Tin tôi đi, nếu bạn “nhịn” không gãi đủ lâu, thậm chí mỉm cười “quan sát” cơn ngứa, bạn sẽ thấy điều kì diệu. Cơn ngứa sẽ thay đổi, hoặc là sẽ hết ngứa, hoặc là… chuyển qua ngứa chỗ khác. Thật ra, đây không chỉ là đặc tính của cơn ngứa, mà còn là đặc tính của mọi cảm giác trên cơ thể:
Dù khó chịu đến mấy, nếu bạn giữ tâm bình thản, thì sớm muộn chúng sẽ tiêu tan.
Song vì không nhận thức được điều này, nên khi cảm xúc tức giận nổi lên kèm theo cảm giác siêu khó chịu, hầu hết mọi người tin rằng phải nổi cơn tam bành, phải làm gì đó cho “khuây khỏa”, thì cảm giác ấy mới qua đi. Thực ra, làm vậy chỉ ném thêm củi vào lửa, và cho phép mình tiếp tục bị cảm xúc chi phối.
Ngược lại, khi bạn nhận thức được mọi thứ rồi cũng sẽ qua, khi bạn giữ tâm mình bình thản trước mọi cảm giác, bạn sẽ thoát khỏi sự chi phối của cảm xúc ở tận gốc rễ: Sự phản ứng của tâm trí trước những cảm giác đi kèm với cảm xúc ấy.
Nói thì dễ, làm thì khác. Gặp hoàn cảnh thực tế, đối mặt với những cơn lũ cảm xúc thực thụ, bạn mới biết ‘trình độ’ bình tâm của mình đang ở mức nào. Phòng lụt hơn là chống lũ, bạn cần tập luyện sự bình tâm hàng ngày cho thành phản xạ.
Bước #3: Phát Tâm
Nếu bạn đã từng nói hoặc làm gì đó khiến ai đấy vui vẻ, rồi sau ấy tự nhiên bạn cũng cảm thấy vui vẻ lạ thường, thì bạn đã trải nghiệm sức mạnh của phát tâm đấy. Phát tâm được hiểu đơn giản là bạn trao đi năng lượng tích cực của mình, bao gồm hành động, lời nói, kể cả suy nghĩ đến với mọi thứ xung quanh.
Việc này tưởng chừng đơn giản, nhưng lại có sức mạnh lay động những thói quen phản ứng cũ kỹ trong tâm trí, vốn là mầm mống dẫn tới ưu phiền
Bạn còn nhớ bộ phim Inside Out không?
Hãng phim Pixar đã rất xuất sắc khi biến các cảm xúc buồn, vui, giận, sợ hãi, chán ghét trở thành những nhân vật sinh động, dễ thương, và tạo ra một bộ phim vô cùng ấn tượng và rất nhân văn.
Nếu coi mỗi cảm xúc cũng là một con người, thì ai cũng cần được chấp nhận. Vậy mà bao năm qua, biết bao lần bạn đã xua đuổi người bạn cảm xúc tiêu cực trong mình rồi? Giờ muốn làm bạn với các cảm xúc này, chưa chắc đã suôn sẻ.
Nghe có vẻ lạ, nhưng đây là điều bạn cần làm càng sớm càng tốt, đó là hãy phát tâm tích cực và viết thư cho những người bạn cảm xúc. Chẳng hạn ngay bây giờ, hãy nghĩ tới một cảm xúc tiêu cực nào đó mà bạn hay gặp dạo này hoặc một cảm xúc nào đó mà bạn từng rất muốn xua tan.
Ví dụ cảm xúc đó tên là Buồn, bạn có thể viết như sau:
Xin chào người bạn cảm xúc mang tên… Buồn!
Bao năm qua, tôi đã luôn tìm cách xua đuổi cậu đi, mà không nhận ra… Buồn ở đó là để nhắc tôi sống chậm lại, Buồn ở đó là để cho tôi có thời gian suy ngẫm về cuộc đời v.v…
Tôi thành thật xin lỗi, và tôi hứa từ giờ chúng ta sẽ là bạn tốt, và cùng chiến thắng trò chơi cuộc sống.
…, ngày … tháng … năm …
Bạn có thể làm tương tự với những cảm xúc khác. Càng viết nhiều những bức thư như vậy, bạn sẽ càng cảm thấy khá hơn. Tự nhiên những người bạn cảm xúc tích cực sẽ xuất hiện, và đặc biệt những người bạn cảm xúc tiêu cực cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới bạn như trước nữa.
Bên cạnh đó, sau mỗi lần kết thúc 1 bài tập định tâm bình tâm mà bạn cảm thấy thư thái, hãy tranh thủ ‘gửi gắm’ năng lượng bình an ấy tới mọi người.
Gửi tới người tôi yêu quý, mong sự bình an và hạnh phúc luôn bên bạn. Gửi tới người từng làm tôi tổn thương, tôi tha thứ và mong sự bình an và hạnh phúc luôn bên bạn.
Cuộc sống là cho và nhận. Mỉm cười với ai đó, họ thường sẽ cười lại. Càng phát tâm tích cực, càng cho đi sự bình an, bạn sẽ ngày càng tiến gần hơn tới cái đích hạnh phúc từ tâm, và mọi ưu phiền tự nhiên biến mất.
Vậy là bạn đã nắm được 3 bước làm bạn cảm xúc, hạnh phúc từ tâm rồi!
Định tâm – Bình tâm – Phát tâm!
Đây là một kỹ năng, đòi hỏi công phu rèn luyện, kiên trì qua nhiều ngày nhiều tháng với phương pháp đúng đắn cho thành phản xạ. Chứ bạn khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà đòi những kết quả bền vững. Vì thế, chúc bạn thực hành thường xuyên để hạnh phúc mỗi ngày!